NÀO TA CÙNG NGHỈ HƯU NGẮN HẠN!

Tôi từng đọc một quyển sách và nghĩ nó rất hay, đấy là quyển “Tuần làm việc 4 giờ”, có nghĩa là bạn sẽ xây dựng những hệ thống để chúng hỗ trợ cho bạn, để bạn có thể thoải mái hơn trong lịch trình hiện tại. Trong đấy có một tư duy như sau, đấy là “nghỉ hưu ngắn hạn”.

Tư duy “nghỉ hưu ngắn hạn” ở đây có nghĩa là như thế nào?

Hầu hết mọi người chúng ta đều muốn có được tự do tài chính. Sau khi có được tự do tài chính rồi thì bạn sẽ đi chơi, du lịch, thư giãn đúng không?

Nhưng trong một quyển sách khác của Robert Kiyosaki, ông ấy nói rằng “tôi cũng đã cố gắng để thử việc đấy trong vòng 1 năm nhưng tôi không thể làm được, bởi vì bản chất con người sinh ra để làm việc chứ không phải để đi chơi”.

Ông ấy đề cập trong sách rằng khi mọi người nghỉ hưu lúc 65 tuổi thì thứ nhất là sẽ chết sớm, thứ hai là buồn bã, nhàn cư vi bất thiện.

Ông ấy nói rằng nếu như bạn nỗ lực và cố gắng trong vòng 30, 40 năm cuộc đời để bạn nghỉ hưu thì bạn đang có một tư duy mà tôi nghĩ bạn cần phải xem lại.

Trong khoảng thời gian 30, 40 năm cuộc đời đấy chúng ta rất stress, rất căng thẳng để làm việc. Sau đó chúng ta lại chờ đợi một thứ viển vông không bao giờ diễn ra là chúng ta sẽ nghỉ hưu trong vòng 15 năm tới.

Ông ấy đưa ra một khái niệm là “nghỉ hưu ngắn hạn”, ông ấy nói là bạn hãy lập cho mình một dự án mà bạn có thể hoàn thành trong vòng 3 tháng, hoàn thành dự án đấy với kết quả tối đa trong vòng 3 tháng.

Sau đó, bạn có thể cho phép bạn nghỉ 10 ngày, 1 tuần, 2 tuần tùy thuộc vào bản thân bạn. Sau đó bạn sẽ hưng phấn hơn và khi quay trở lại làm việc, năng suất của bạn sẽ tăng lên theo. Đấy là lý do vì sao bạn có thể phát triển rất mạnh mẽ.

Khi não bộ bạn thông thoáng thì cuộc sống cũng thông thoáng, còn khi bạn bị vướng vào những vấn đề và cứ quẩn quanh trong đó thì cũng chỉ giải quyết được các sự vụ nhỏ thôi, không còn phân biệt được đâu là kết quả, khi đó thì các giải pháp cũng không đến với bạn.

Những người nói rằng họ rất bận rộn, họ không có thời gian là bởi vì họ cứ phải phản ứng lại những vấn đề xảy ra.

Giống như người ta thấy những quả bị sâu, bị thối ở trên cây thì người ta hái những quả sâu, quả thối ấy xuống, nhưng thực tế là nếu phần rễ của nó có vấn đề, phần hư hỏng nằm ở những chỗ khác nhưng người ta không giải quyết ở đó.

Nếu chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn mà không giải quyết phần gốc thì chúng ta sẽ chỉ mãi phản ứng lại vấn đề.

Chúc bạn một ngày tốt lành!

Nhận xét