BẠN ĐÃ RÈN LUYỆN CÁCH QUYẾT ĐOÁN CHƯA?

Đã bao giờ vì không quyết đoán mà bạn bỏ lỡ cơ hội nào đó? Đã bao giờ bạn trì hoãn mà không ra được quyết định? Hoặc lời nhận xét của ai đó làm bạn “nhột” và phải tìm cách để quyết đoán hơn?

Nếu là có, bạn nhất định khám phá 5 thói quen đơn giản mà hiệu nghiệm sau đây.

1. Sử dụng ngôn từ mạnh mẽ

Các chuyên gia NLP (Neuro Linguistic Programming - Lập trình Ngôn ngữ Tư duy) đều khẳng định rằng ngôn từ, ngữ điệu mà bạn sử dụng hằng ngày sẽ ảnh hưởng tính cách của bạn - trong đó có Quyết đoán. Vì vậy, cách để quyết đoán hơn chính là thay đổi thói quen sử dụng ngôn từ của bạn.

Chẳng hạn khi được hỏi: “Bạn nghĩ sao về vấn đề này?”, bạn có bắt đầu trả lời bằng cụm từ: “Theo tôi thì…” hay “Theo ý kiến cá nhân của tôi…” không? 

Thật kỳ lạ, họ đang hỏi ý kiến của bạn, bạn là người trả lời duy nhất, thì “theo tôi” ở đây là theo ai nữa? Cách nói này vừa dài dòng, vừa khiến bạn trở nên dè dặt.

Những người quyết đoán thường tự tin, dám chịu trách nhiệm với tuyên bố của mình. Do vậy, cách để quyết đoán hơn là bạn hãy nói thẳng: “Tôi nghĩ là…”, hay: “Cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi nghĩ rằng…” nếu bạn dadng trong buổi thuyết trình và cần có thời gian suy nghĩ.

Hãy tham khảo một số cách nói thường gặp và phiên bản mạnh hơn dưới đây:

- Thay vì nói “Có lẽ chúng ta nên…”, hãy nói “Tôi nghĩ chúng ta cần…

- Thay vì nói “Tôi dự định sẽ…”, hãy nói “Tôi sẽ…”.

Thay vì nói “Ngày mai tôi sẽ…”, hãy nói: “Tôi sẽ hoàn thành trước 12g ngày mai!

Thay vì nói “Tôi hi vọng nó sẽ xảy ra…”, hãy nói: “Nếu nỗ lực hết mình, nó chắc chắn sẽ xảy ra.

Thay vì nói “Tôi sắp xong rồi…”, hãy nói “Tôi sẽ xong trong vòng 15 phút…

2. Xây dựng BỘ LUẬT CÁ NHÂN

Nhắc tới sự quyết đoán, không ngẫu nhiên mà người ta sử dụng biểu tượng là chiếc búa chủ tọa trong phiên tòa. Nếu một quốc gia không có pháp luật, thì tòa án sẽ cực kỳ khó khăn khi phán xét? Bạn cũng sẽ khó quyết định nếu không có một BỘ LUẬT CÁ NHÂN.

Ví dụ, nếu trong bộ luật cá nhân của bạn ghi rằng: “Tôi không bao giờ lãng phí thời gian cho những cuộc trò chuyện vô ích”, mà ai đó rủ bạn đi cafe với mục tiêu không rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng từ chối ngay lập tức, chẳng cần đắn đo.

Việc xây dựng một bộ luật cá nhân có thể khiến bạn cảm giác mình quá nguyên tắc, nhưng đó là điều cần thiết để bạn trở thành một người quyết đoán. Làm gì có người quyết đoán mà không có những nguyên tắc riêng chứ?

Một bộ luật hiệu quả cần có thời gian xây dựng, phát triển. Bạn hãy bắt đầu viết xuống giấy “Nhật ký ra quyết định”. Mỗi khi bạn ra quyết định, hãy viết xuống định nghĩa và lý do, rồi sau đó xem lại, đánh giá quyết định đó, học hỏi từ chính quyết định của mình, là cách để bạn có thể ra quyết định tốt hơn.

3. Định điều kiện / Đặt giờ hẹn

Nếu bạn bị đánh giá là ra quyết định chậm chạp, thói quen mới này sẽ giúp cải thiện tình trạng đó hiệu quả.

Luôn có những tình huống bạn ra quyết định dễ dàng, như chọn trang phục (éo le là với vài người, đây là một quyết định lớn! 😅). Cũng có những tình huống bạn không thể ra quyết định ngay. Làm thế nào để quyết đoán hơn?

Bạn cần có các điều kiện đã định trước mà nếu tình huống xảy ra tương ứng, bạn sẽ quyết định ngay và luôn, khỏi lăn tăn.

Trong tình huống chưa chuẩn bị, bạn hãy đặt câu hỏi để có thêm thông tin nhằm xác định xem lựa chọn nào sẽ hơn, hãy nói “Tôi sẽ ra quyết định sau khi biết rằng…”, “Tôi sẽ ra quyết định sau khi hỏi ý kiến của…”. Nếu bạn chưa chắc lắm về điều kiện của quyết định, bạn có thể nói “Tôi cần thời gian cân nhắc, tôi sẽ ra quyết định muộn nhất là vào lúc… giờ, ngày…

Bằng cách này, bạn không chỉ trở thành người chủ động, mà còn thể hiện rằng những quyết định của bạn đều được cân nhắc kỹ lưỡng và có cơ sở, không phải một dạng “quyết rồi đoán” (quyết bừa, rồi đoán già đoán non xem chuyện sẽ ra sao).

Bạn cần phải học cách đánh giá vấn đề. Nếu sự việc đơn giản, thì hẹn quyết định sau 5 phút; nhưng nếu vấn đề cần thêm thông tin, hãy hẹn sau vài giờ, hoặc vài ngày. Điều quan trọng là tới giờ đó, nhất định bạn phải có quyết định.

Áp lực của thời hạn sẽ làm gia tăng động lực, thúc đẩy bạn tìm đủ mọi điều kiện để ra quyết định. Đến lúc đồng hồ reo mà bạn vẫn băn khoăn không biết nên quyết định thế nào, thì bạn biết phải làm gì rồi đấy! Hãy từ chối, đừng chọn đại!

4. Dành 5 phút mỗi ngày học cách quyết đoán 

Bạn có liệt kê ra được 5 người quyết đoán nhất mà bạn từng biết không?

Nếu không, thì bạn biết nguyên nhân tại sao bạn không quyết đoán rồi đấy. Cơ chế học hỏi của bộ não là bắt chước, nếu trước đây bạn ít tiếp xúc với những người quyết đoán, bộ não sẽ khó mà biết được thế nào là quyết đoán, và giúp bạn trở thành một người như vậy.

Bạn sẽ trở thành những gì mà bạn suốt ngày suy nghĩ. Đây là luật hấp dẫn!

Nếu bạn suốt ngày băn khoăn tại sao mình không quyết đoán mà không tìm giải pháp, thì luật hấp dẫn sẽ khiến bạn ngày càng trì hoãn hơn. Do vậy, hãy chủ động kích hoạt luật hấp dẫn, hãy dành 5 phút mỗi ngày học cách quyết đoán.

5 phút mỗi ngày vừa đủ để bạn đọc một câu truyện về một nhà lãnh đạo tài ba, rồi hình dung đến việc mình sẽ quyết đoán được như họ. Làm điều này mỗi ngày thì sớm hay muộn, sự quyết đoán của bạn sẽ được gia tăng tới mức bạn không thể nào ngờ được.

5. Kiểm soát tâm trí, làm chủ cảm xúc

Không ai biết trước tương lai, sẽ rất khó để biết chắc quyết định là đúng đắn. Chúng tôi tin rằng không có quyết định nào là sai hay đúng, chỉ có những quyết định xứng đáng với sự lựa chọn của bạn. 

Thông thường, những quyết định khiến bạn hối hận về sau là những quyết định khi tâm trí bạn không sáng suốt.

Một quyết định được đưa ra với tâm bình an, với đầy thiện chí, với tình yêu thương, với mong muốn điều tốt lành nhất đến với mọi người, thì dù kết quả thế nào bạn cũng sẽ không phải hối hận. Ngược lại, một quyết định đưa ra mà lúc đó tâm bạn đầy ham muốn, thù hằn, nóng giận, thì khi bình tâm trở lại, kiểu gì bạn cũng sẽ hối hận.

Đó là lý do bạn cần phải học cách làm chủ tâm trí, để có thể bảo vệ mình khỏi những khoảnh khắc cảm xúc lấn át lý trí, đưa ra những quyết định hấp tấp. Khi có một tâm trí sáng suốt, bạn cũng sẽ dễ dàng ý thức được những giá trị của bản thân, và ra quyết định dựa trên những giá trị đó một cách nhanh chóng, và sẽ không bao giờ phải hối tiếc.

Làm sao để làm chủ tâm trí, khi mà nó cứ như một con khỉ lăng xăng, hết nhảy từ cành này sang cành khác đây? Đó là một thói quen lớn, cần một hành trình dài mà bạn có thể bắt đầu bằng một khóa thiền 10 ngày để thanh lọc tâm trí.

Trước khi có cơ hội tham dự khóa thiền 10  ngày đó, bạn có thể bắt đầu bằng một thói kquen nhỏ: Mỗi tối, trước khi đi ngủ, hãy viết xuống 5 thành công nhỏ bạn đã đạt thành, bạn có thể gọi đó là nhật ký thành công.

Bằng cách này, bạn không chỉ luyện tập việc hướng tâm trí của mình đến những điều tích cực, mà còn có một giấc ngủ ngon. Về lâu dài, khi bạn quen với việc điều khiển tâm trí, bạn có thể tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực, có thể gây ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định. 

Vậy là bạn đã biết 5 cách để quyết đoán hơn mỗi ngày rồi! Hãy hành động ngay!

Nguồn Fususu!

Nhận xét